Để không là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến

23 04 2024

in trang

Thời gian gần đây, tình trạng nhiều người trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo qua mạng không còn là chuyện hiếm gặp.


Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là internet và mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo thường gọi điện, nhắn tin tự xưng là người của ngành công an, viện kiểm sát, tòa án, ngân hàng... để đe dọa người dân. Do thiếu hiểu biết, lại có tâm lý sợ mình phạm tội nên không ít người đã mắc mưu kẻ lừa đảo.

Theo GASA (một tổ chức quốc tế chuyên về cảnh báo, phòng, chống lừa đảo trực tuyến), năm 2023, mỗi người Việt Nam được khảo sát phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo trực tuyến. Có 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến như: Lừa đảo "combo du lịch giá rẻ"; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay tín dụng; rao bán hàng giả, hàng nhái qua sàn thương mại điện tử; giả mạo công an, cán bộ tòa án, viện kiểm sát cáo buộc nạn nhân tham gia các vụ án và lừa nạn nhân thực hiện theo hướng dẫn để chiếm đoạt tài sản...

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ 1% trong tổng số nạn nhân lấy lại được số tiền đã mất, 54% nạn nhân phải gánh chịu những tổn thương nặng nề về tâm lý sau khi bị lừa.

Kinh tế số phát triển mạnh, thương mại điện tử trở thành xu hướng tất yếu trong đời sống xã hội, tỷ lệ người dân sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, mạng xã hội không ngừng tăng lên, trong khi năng lực phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế chính là kẽ hở để loại tội phạm này lộng hành, gia tăng.

Đấu tranh, phòng, chống lừa đảo trực tuyến đang trở thành nhiệm vụ cấp bách. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn, xử lý... nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng vì tính chất khó khăn, phức tạp của môi trường không gian mạng và phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Theo các chuyên gia công nghệ, để không trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, điều quan trọng nhất là mỗi người dân phải không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác và khả năng tự phòng vệ trước các hình thức lừa đảo.

Theo đó, mỗi người khi sử dụng điện thoại, máy tính, mạng xã hội cần thực hiện tốt “3 không”: Không nhấn vào những đường link do người lạ gửi đến; không tải ứng dụng từ bên thứ ba, chỉ tải trên kho Google Play hay App Store; không nghe những lời cáo buộc, đe dọa hoặc tư vấn liên quan đến đầu tư, lợi ích tài chính, nhận thưởng... qua điện thoại hoặc mạng xã hội, vì đa phần đó là hành vi làm phiền và lừa đảo trực tuyến.

VŨ ĐÌNH ĐÔNG

Không có mô tả ảnh.

 

 

Đoàn TNCS Khu Kinh Tế Thành phố Hải Phòng

Thong ke