Nhận diện và giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội hiện nay

16 08 2023

in trang

Nhận diện và giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội hiện nay

1. Nhận diện các thế lực thù địch, phản động lợi dụng mạng xã hội chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng

Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”(1)Dịch vụ mạng xã hội (social networking service) là “dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Những người tham gia dịch vụ mạng xã hội được gọi là cư dân mạng xã hội”(2).

Ở Việt Nam hiện nay, mạng xã hội trở thành phương tiện cung cấp thông tin và truyền thông hiệu quả, là một phương tiện mới trong công tác tuyên giáo. Tuy nhiên, đây cũng là công cụ mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội, bất mãn chính trị lợi dụng để gia tăng hoạt động phá, đặc biệt là chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

Chủ thể chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng bao gồm các quốc gia, tổ chức quốc tế chống Cộng, chống Việt Nam; các tổ chức phản động lưu vong bên ngoài và một số đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị, có quan điểm phức tạp trong nước; những đối tượng xấu tung tin sai trái, thù địch, độc hại nhằm trục lợi. Ngoài ra, còn có những người từng vi phạm pháp luật Việt Nam, có lòng hận thù với chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Động cơ của chúng là dùng mọi thủ đoạn tấn công trực diện hòng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, gây tâm lý hoang mang, hỗn loạn trong nhân dân, từng bước làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị, hòng tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, kích động “bạo loạn lật đổ” và hiện nay triệt để lợi dụng mạng xã hội như “một chiến trường không tiếng súng” để chống phá, xây dựng các trang web, blog, tài khoản ở các máy chủ đặt tại nước ngoài làm “các máy cái, hà hơi, tiếp sức” cho các blog, tài khoản trong nước(3).

Nội dung mà chúng tập trung chống phá nhằm  phủ nhận, xuyên tạc giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin; tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin; phủ nhận vai trò lãnh đạo, xuyên tạc lịch sử Đảng; xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận đóng góp của Người cho lịch sử dân tộc và sự tiến bộ nhân loại; kêu gọi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; phủ nhận thành tựu cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo; thổi phồng khuyết điểm, hạ thấp và phủ nhận thành tựu đổi mới đất nước; xuyên tạc, bội nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước…

Nguồn tin mà các thế lực phản động, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng qua không gian mạng, chủ yếu từ: 1) các tổ chức của một số quốc gia (như Mỹ, Đức, Thụy Điển…); 2) các hãng thông tấn báo chí quốc gia, “quốc tế” (tuy có mức độ khác nhau), đáng chú ý có BBC, VOA, RFA, RFI; 3) các trang mạng của tổ chức thù địch có máy chủ ở nước ngoài (như: Tổ chức Theo dõi nhân quyền, Tổ chức Phóng viên không biên giới, Tổ chức Ngôi nhà Tự do, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Đảng Việt Tân…); 4) các blog của tổ chức, cá nhân trên Facebook, mạng xã hội...

Cách thức mà chúng chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội, chủ yếu: 1) Lợi dụng trang mạng lớn trên thế giới chống phá Việt Nam; 2) Sử dụng và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên để viết bài, đưa tin chống phá Đảng và Nhà nước ta; 3) Sử dụng các thông tin chống phá Đảng ta của các quốc gia, tổ chức lớn trên thế giới, những cá nhân, tổ chức có ảnh hưởng lớn ở trong và ngoài nước để tán phát; 4) Tạo dựng các trang web, blog các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook để chia sẻ (share), phát tán thông tin; 5) Nắm bắt, tận dụng thời điểm quan trọng, lợi dụng vấn đề, sự cố lớn của đất nước để phát tán thông tin xuyên tạc, chống phá…

Chiêu bài mà chúng sử dụng để chống phá thường là: 1) Gửi “kiến nghị”, “thư ngỏ” của hội, nhóm đến cơ quan tổ chức và các đồng chí lãnh đạo cấp cao; 2) Phát tán trên mạng để tranh thủ sự ủng hộ của xã hội, truyền bá quan điểm chính trị của mình và gây áp lực đối với Đảng, Nhà nước; 3) Ra “tuyên ngôn”, “tuyên bố” (với tư cách là nhóm xã hội hoặc các cá nhân) về một vấn đề nào đó; 4) Gửi “thư riêng”, tài liệu của cá nhân, tổ chức đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời phát tán trên mạng xã hội; 5) Bằng các hình thức bình luận (comment), hoặc thể hiện trạng thái (status) video clip, hình ảnh ở tài khoản cá nhân trên Facebook…

Thực tế hiện nay, các thế lực phản động, thù địch, cơ hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” triệt để tận dụng mạng xã hội để hô hào tụ tập đông người, kích động phản đối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chống đối chính quyền; cổ súy cho người vi phạm pháp luật, thổi phồng bức xúc trong nhân dân…

 

Admin

Thong ke